Cơn sốt condotel tại Đà Nẵng
Hội đủ những điều kiện thuận lợi, đặc biệt đang là điểm đến hấp dẫn nhất nước đối với du khách, TP. Đà Nẵng đang là địa chỉ vàng đối với đầu tư mô hình căn hộ khách sạn (condotel), với hàng loạt dự án quy mô lớn được triển khai.
Ariyana Beach Resort and Suites Danang – dự án nổi bật nhất trong “làn sóng condotel” hiện nay tại thị trường bất động sản Đà Nẵng. Ảnh: Tân Thanh
Làn sóng mới
Một số dự án nổi bật hiện nay áp dụng mô hình này có thể kể đến như Ariyana Beach Resort and Suites Danang, F.Home, Vinpearl Condotel Ngô Quyền, Cocobay, Alphanam Luxury Apartment, Ocean Suites, Sun Premier Condotel Da Nang Heritage, Bavico Plaza Đà Nẵng… Các dự án này có đặc điểm chung là nằm ở vị trí đắc địa (sát sông, sát biển…), tiện ích hiện đại theo tiêu chuẩn cao cấp và đặc biệt là mức cam kết lợi nhuận chủ đầu tư đưa ra với khách hàng khá hấp dẫn đi kèm những ưu đãi lớn về tín dụng.
Theo báo cáo của Savills, thị trường Đà Nẵng hiện chiếm đến 50% nhu cầu của nhóm khách hàng đến từ phía Bắc, cụ thể là Hà Nội. Cùng với đó, các dự án được chào hàng chính thức và không chính thức với những mức cam kết chia sẻ lợi nhuận hấp dẫn (6-12%/năm) ngày càng phổ biến. Savills dự báo, đến năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng sẽ có khoảng 14.000 sản phẩm thuộc mô hình condotel gia nhập thị trường.
Ông Vũ Quang Vinh, Giám đốc Công ty BĐS Phố Son đánh giá: “Với việc Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở mới đi vào hiệu lực, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư Việt kiều và người nước ngoài đến với mô hình này”.
Đánh giá khả năng thành công của các dự án khi áp dụng mô hình này tại Đà Nẵng, một số chuyên gia đưa ra “mẫu số chung” là, các dự án đều được quản lý, khai thác, vận hành bởi những đơn vị đã tạo được thương hiệu riêng trong lĩnh vực du lịch, có nguồn khách hàng lớn, hiệu suất buồng phòng luôn đạt ở mức cao, như Furama Villas, Alacarte, Fusion Suites…
Chia sẻ vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Sovico) cho rằng, thương hiệu cũng là yếu tố để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư dự án condotel. Tuy nhiên, trong thời đại “thế giới phẳng” như hiện nay, với đội ngũ tư vấn thiết kế dày dặn kinh nghiệm, hệ thống bán hàng qua mạng mạnh mẽ và trải khắp thì các dự án đã không còn quá lệ thuộc vào các thương hiệu quốc tế nữa, mà có thể tự mình trở thành một thương hiệu riêng đến được với khách hàng của mình trên phạm vi toàn cầu.
“Các thương hiệu lớn trước khi quyết định ký kết hợp đồng quản lý condotel sẽ yêu cầu các nhà phát triển bất động sản theo các quy chuẩn của họ. Tuy nhiên, theo nhiều du khách giàu kinh nghiệm, khách hàng thường lựa chọn những căn hộ không theo hệ thống hoặc có thể không thuộc một thương hiệu phổ biến vì tính độc đáo của dự án sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho họ”, ông Quỳnh cho biết.
Thông tin về Dự án Ariyana Beach Resort and Suites Danang, dự án nổi bật nhất trong “làn sóng condotel” hiện nay tại thị trường BĐS Đà Nẵng (do Công ty cổ phần Ariyana – thành viên Tập đoàn Sovico thực hiện), ông Quỳnh cho biết, Công ty đang gấp rút triển khai thực hiện Dự án nhằm kịp sự kiện APEC 2017.
Dự án có tổng diện tích gần 3.000 m2, được chuẩn hóa về thiết kế, thống nhất và hài hòa với Furama Resort và Furama Villas trước đó, với vị trí sát biển, sát trung tâm Thành phố, các phòng có hướng nhìn biển, phù hợp với quan niệm phong thủy của người phương Đông, được kèm theo các khu vực tiện ích, dịch vụ và spa rộng lớn của một khách sạn 5 sao, nhà hàng lớn phục vụ ẩm thực đa dạng, các khu vui chơi giải trí, cửa hàng tiện ích, bể bơi trong nhà và ngoài trời…
“Đây không chỉ là ngôi nhà thứ 2, mà còn là một khu nghỉ mát đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi và du lịch của cư khách, nên chắc chắn sẽ mang tới sự mới mẻ cho Du lịch Đà Nẵng”, ông Quỳnh thông tin thêm.
Cần có quy hoạch
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ địa ốc FirstReal nhìn nhận, condotel là mô hình BĐS không hẳn là mới đối với thị trường BĐS Việt Nam và hiệu quả áp dụng mô hình này phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư và quản lý nhà nước. Muốn phát triển bền vững, người mua, chủ đầu tư, chính quyền phải như một kiềng ba chân, trong đó, yếu tố chính quyền quan trọng nhất, lo chiến lược tổng thể để thu hút du khách, còn chủ đầu tư làm phần dịch vụ.
Ông Đức cũng chỉ ra điểm yếu của mô hình condotel tại Đà Nẵng, đó là lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng tuy đông, nhưng số ngày lưu trú ít, nên hiệu quả của mô hình condotel chưa cao.
“Thành phố chỉ làm du lịch thì cũng khó cho condotel, vì họ lưu trú ngắn hạn. Thành phố phải chú trọng cả đầu tư vào các lĩnh vực khác nữa mới kéo nhiều chuyên gia, cố vấn cao cấp tới. Khi đó sẽ có nhiều khách hàng chọn condotel để lưu trú dài hạn”, ông Đức nhận định.
Một nguy cơ nữa làm cho mô hình condotel Đà Nẵng khó đạt hiệu quả như kỳ vọng là sự bùng nổ của nhiều cơ sở lưu trú thấp cấp, khách sạn 2 – 3 sao dọc khu vực ven biển và việc cấp phép condotel cho quá nhiều dự án không theo một quy chuẩn nào trong một khoảng thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, condotel với mục đích xây dựng chủ yếu dưới dạng căn hộ để ở, nên nhiều công ty BĐS xây dựng cơ sở lưu trú theo hướng thiết kế cho khách cư trú lâu dài với nội thất sinh hoạt và bếp sẵn có, đồng thời để tối đa lợi nhuận, họ dành rất ít không gian cho các khu vực phụ trợ mà khách sạn cần phải có, dẫn đến tình trạng các khu vực ăn uống, dịch vụ và spa có diện tích quá hạn chế.
“Tôi rất quan ngại khi các dự án không được quy hoạch theo quy chuẩn, chính quyền Đà Nẵng nên đưa ra những yêu cầu và quy định đối với các dự án condotel nghỉ dưỡng nói riêng và BĐS nghỉ dưỡng nói chung để các chủ đầu tư có tiêu chí tham khảo khi xây dựng dự án”, ông Quỳnh góp ý.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Giản, một nhà môi giới BĐS ở Đà Nẵng đề xuất: “Thành phố phải xem xét kỹ ‘miếng bánh’ thị trường để quy hoạch phát triển các phân khúc một cách hợp lý, có lộ trình. Trước tiên, lựa chọn những đơn vị có năng lực tốt nhất để cấp phép làm condotel, sau đó căn cứ vào thị trường để cấp phép tiếp, chứ không nên cấp phép ồ ạt”.